Tôi chưa từng nghĩ rằng tình bạn lại có thể sâu sắc và quan trọng đến thế cho đến khi tôi đọc cuốn sách này. “Thân ai nấy lo”. Cái tên nghe tưởng giỡn chơi, hoá ra là cái tát rất đau vào những ảo tưởng mà lâu nay tôi vẫn ôm giữ.
Đây là cuốn sách thứ hai của tác giả “Chó sủa nhầm cây”. Nếu bạn đã từng đọc “Chó sủa nhầm cây” – một cuốn sách bóc mẽ những công thức thành công sáo rỗng – thì “Thân ai nấy lo” lại đi sâu vào cái thứ còn rối ren hơn: tình yêu, tình bạn và bản chất con người.
1. Tình bạn – thứ dễ quên nhất trong các loại tình cảm
Tác giả bắt đầu bằng một câu hỏi cũ rích nhưng đau đáu: “Có phải có hoạn nạn mới biết ai là bạn thật?” – Một câu hỏi chẳng mới, nhưng đọc lên vẫn khiến tôi như bị ai cào nhẹ vào vết sẹo trong lòng. Vì tôi nhìn quanh, bạn xưa giờ đâu rồi? Bạn học, bạn thân, bạn sống chết có nhau thuở thiếu thời, giờ thưa dần như lá cuối mùa.
Trong sách có nhắc tới một nghiên cứu năm 2009: người Mỹ trung bình chỉ có… 2 người bạn thân. Lúc còn trẻ là 9. Qua 30 tuổi thì tình bạn rơi rụng như rụng tóc. Nhà, con, việc, cơm áo gạo tiền – rồi thì ta bận. Mà tình bạn thì không ai buộc, không ký cam kết, chẳng ai bắt phải gìn giữ. Vậy nên nó dễ bị lãng quên hơn cả tình yêu.
Thử nghĩ mà xem, người ta trả tiền để giữ hôn nhân – ở Tây thì đi trị liệu, ở ta thì đi coi bói. Nhưng mấy ai bỏ tiền cứu một tình bạn rạn nứt? Chúng ta ưu tiên đủ thứ, trừ bạn.
Tình bạn không có mặt trong thơ tình, phim ảnh, nhạc bolero, tiểu thuyết lãng mạn. Nó không được nâng niu như tình yêu. Thế mà có một sự thật đau đáu: tình bạn giúp ta hạnh phúc hơn cả vợ con.
Nghe sốc không? Có bạn thân, bệnh nhân ung thư có thể sống lâu hơn gấp 4 lần. Có bạn, đàn ông giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Còn có vợ? Không có ảnh hưởng gì mấy.
Bởi vì sao? Vì bạn bè là một bản thể khác của chính ta. Không ràng buộc, không toan tính. Chơi vì thích, vì được là chính mình. Càng thân, ranh giới càng mờ, người bạn ấy như một phần máu thịt.
2. Làm sao để kết bạn khi ta đã lớn?
Ngày xưa, chỉ cần chung lớp, chung xóm, chung trận đá bóng là thân. Bây giờ, cái điện thoại đã cướp mất những giờ ngồi chơi không mục đích.
Muốn có bạn, tác giả nói, trước tiên phải sống thật. Thật lòng, thật dạ, không trưng ra cái mặt nạ long lanh trên mạng. Nhưng để sống thật thì trước tiên phải chấp nhận mình, rồi mới dám cho người khác thấy mình.
Cần tới 200 giờ để có một người bạn thân. Mỗi ngày nói chuyện 1 tiếng thì mất nửa năm. Nhưng chỉ cần 45 phút chân thành cũng đủ gieo hạt thân thiết rồi.
Gặp mặt là điều cần thiết. Không phải nhắn tin, thả tim, gọi video. Là gặp. Là hiện diện. Là hai tuần một lần ít nhất. Gặp để cùng chia vui, gánh buồn, chứ không phải vui mới tìm nhau.
3. Tình yêu – không đẹp như cổ tích
Tác giả hỏi: “Tình yêu có chinh phục tất cả không?” – Câu trả lời là không. Không đâu các bạn. Tình yêu đẹp, nhưng không thần thánh như ta vẫn nghĩ.
Người ta từng kết hôn không vì yêu, mà vì sinh tồn, vì lợi ích, vì mở rộng bộ tộc. Chuyện yêu đương lãng mạn là mới đây thôi. Phim ảnh, cổ tích đã vẽ nên bức tranh hồng mộng mị.
Sự thật là tình yêu có hạn sử dụng. Khoảng 4 năm sau kết hôn, cái “men tình” bay đi, hóc môn nguội lạnh, ta tỉnh ra. Người từng đáng yêu giờ thành phiền. Người từng “kiên định” giờ thành “cứng đầu”.
Tình yêu không cứu rỗi được ai nếu chọn sai người. Hôn nhân tồi tệ khiến ta bệnh tật nhiều hơn 35%, và mất đi 4 năm tuổi thọ.
Nghiên cứu 18 năm trên 30.000 người cho thấy: sau ly hôn, hạnh phúc có thể trở lại, nhưng không bao giờ như trước. Như cái sẹo chẳng thể mờ.
4. Những “kẻ giết chết” tình yêu
Nhà tâm lý học Gottman nói rằng có 4 “tứ kỵ sĩ” của tình yêu:
-
Chỉ trích: “Anh là đồ vô dụng”, “Cô ích kỷ” – ta tấn công vào nhân cách nhau.
-
Lạnh nhạt: Không thèm nói, không thèm nghe, kệ nhau sống chết.
-
Phòng thủ: “Tôi đâu có sai”, “Tại anh hết đó” – chối bỏ trách nhiệm.
-
Khinh thường: Coi thường nhau, chế giễu nhau – như thể người kia là người dưng.
Nếu có một trong bốn, nên điều chỉnh ngay. Bằng 4 chữ R:
-
Rekindle: Làm mới cảm xúc qua những hoạt động chung (chạy bộ, cắm trại…)
-
Remind: Nhắc nhau về “bản đồ tình yêu” – những điều mà ta hiểu về nhau.
-
Renew: Giúp người kia trở thành phiên bản họ mong muốn, không phải ta muốn.
-
Rewrite: Viết lại câu chuyện tình yêu – cùng kể một câu chuyện đẹp.
5. Cô đơn – căn bệnh thời hiện đại
Chưa bao giờ con người cô đơn như bây giờ. Nhanh hơn, tiện hơn, mạng mạnh hơn. Nhưng chất lượng kết nối thì yếu dần.
100 năm trước, chỉ 1% dân Mỹ sống một mình. Giờ là 1/7 người trưởng thành. Ở Bắc Âu, có nơi tới 45% sống một mình. Anh có tới 9 triệu người cô đơn (năm 2017), đến mức có cả Bộ trưởng Cô đơn.
Cô đơn như hút 15 điếu thuốc/ngày. Nó giết chúng ta dần dần.
Nguyên nhân thì nhiều: cộng đồng suy yếu, giới trẻ chạy theo hào nhoáng, thời gian vùi trong tivi, điện thoại. Một thế giới cá nhân hoá, mất kết nối thật.
Tác giả nói: ý nghĩa cuộc sống nằm ở cảm giác được thuộc về – một người, một cộng đồng. Nhưng tôi thấy, cần thêm nữa: được sống thật, có mục đích sống rõ ràng. Đó mới là sự đủ đầy.
6. Kết lại – Đọc để thấy lại chính mình
Tôi cho cuốn này 7.5 điểm. Không xuất sắc về lý luận, nhưng gợi nhiều suy ngẫm. Tác giả kể chuyện duyên, dí dỏm, nhưng đôi khi đùa quá, nhất là với người không quen kiểu hài Mỹ.
Dù sao, cuốn này như cái gương. Soi vào đó, thấy mình ngày trước. Thấy bạn bè cũ, thấy người yêu cũ, thấy cả những vết thương chưa khô.
Nếu bạn đang chới với giữa những mối quan hệ tan – hợp – rời – rụng. Nếu bạn từng hoài nghi về tình yêu, từng tiếc nuối một tình bạn. Nếu bạn thấy mình cô đơn giữa hàng trăm lời nhắn “seen” không trả lời… thì có lẽ bạn nên đọc thử.
Biết đâu, nó giúp bạn nhìn lại – hiểu lại – và bắt đầu lại, như một người vừa đi qua cơn mưa.