Tôi không biết mình tìm đến “Nhà” vì điều gì. Chỉ biết bữa đó đi ngang hiệu sách, thấy quyển sách nhỏ nằm lặng thinh ở một góc kệ, ánh nắng xiên xiên qua tấm kính chiếu xuống bìa sách có chữ “Nhà” viết nghiêng nghiêng như thể ai đó vừa thì thầm. Mua về. Không đắn đo. Cũng chẳng kỳ vọng gì lớn lao như mấy cuốn self-help từng đọc. Chỉ muốn yên lòng một chút.
Lòng tôi dạo đó như đất khô. Nứt nẻ. Chẳng nảy được mầm nào nên hồn. Lớn lên trong nhà không có nhiều tiếng cười, nên từ nhỏ tôi đã hay mơ mộng về một mái hiên đủ rộng để tránh nắng, một ánh mắt đủ ấm để bớt đơn độc. “Nhà” không rót cho tôi lời giảng dạy, cũng không cho tôi đáp án. Nó chỉ ngồi bên, lặng lẽ kể chuyện. Như thể người bạn cũ, lâu ngày gặp lại, chỉ muốn nghe tôi thở dài.
Có những đoạn văn ngắn ngủi mà khiến tôi đứng tim, như thể ai đó bóp nhẹ nơi lồng ngực, khiến nước mắt tự nhiên dâng lên. Châu – nhân vật trong sách – bị chẩn đoán ung thư, lặng lẽ thốt lên: “Mình đã sống bao giờ đâu mà chết? Ơ…” Cái “Ơ…” ấy như mảnh gương soi ngược vào tim tôi. Hóa ra nhiều người trong chúng ta chỉ sống hoài sống phí, sống như một cái bóng, chạy mãi theo giấc mơ của người khác, chưa từng thử hỏi “mình muốn gì?” một cách tử tế.

“Nhà” chia làm ba chương, nghe tên thôi cũng đã thấy buồn bã mà thân quen: Thông điệp, Truyền tin, Trở về. Là ba nhịp đời, ba cột mốc – như một đoạn hành hương. Mỗi câu chuyện như một viên đá đặt xuống mặt sông, làm gợn lên suy nghĩ. Ở đó, bác sĩ Du – người kể chuyện – vừa đơn độc, vừa thanh thản. Anh không gào thét, không hối hả, chỉ chầm chậm kể chuyện sinh – lão – bệnh – tử như người quen với nỗi mất mát.
Tôi nhớ mãi đoạn ông Lai chải tóc cho bà Hoa, nơi viện dưỡng lão. Tình yêu già cỗi mà dịu dàng như nắng cuối đông. Không ai phán xét. Không ai cười cợt. Vì yêu mà ngồi lại bên nhau, vì thương mà xoa dịu cơn đau. Hạnh phúc, hóa ra, không đến bằng tiếng pháo hoa. Nó đến bằng tiếng lược chải qua tóc người mình thương, bằng hơi ấm nắm tay trong buổi sáng có giàn hoa giấy trắng như mây mỏng.
Tôi cũng bắt gặp những dòng thế này:
“Có nhiều người, chạy đuổi theo nhan sắc, danh vọng, tiền bạc,… bởi họ nghĩ chỉ khi có những thứ đó họ sẽ hạnh phúc. Có nhiều người ngồi lặng yên bên cửa sổ, nắm nhẹ bàn tay người thương, cảm nhận hơi ấm của sự chân thành,… Họ thấy hạnh phúc ở ngay trong tim họ rồi…”
Tôi đọc và thấy mình trong đó. Có lẽ là cái phiên bản ước mơ được sống chậm hơn, ít bon chen hơn. Nhưng đôi khi cũng tự hỏi: “Có còn kịp không?”.
Câu chữ của bác sĩ Trung không hào nhoáng. Không phô diễn kỹ thuật. Nó như tiếng thở, lúc nhẹ tênh, lúc đậm đặc. Có những đoạn như rót mật vào tim, cũng có đoạn như gió lùa qua kẽ lá, se sắt. Đọc “Nhà”, tôi thấy mình không cần gồng nữa. Không cần phải trở thành ai khác.
“Nhà” – trong cách viết của Nguyễn Bảo Trung – không phải là nơi. Nó là người. Là ánh mắt. Là cái gật đầu. Là tiếng thở dài được lắng nghe. Là vòng tay dang rộng. Là một chiếc ghế trống luôn chờ mình quay lại. “Ở đâu có người thân, ở đó có gia đình.” – câu ấy, nghe như lời ru cũ kỹ mà mẹ hay nói, hóa ra lại là chân lý giữa đời.
Cuối cùng, khi gấp sách lại, tôi không thấy mình được dạy dỗ gì cả. Nhưng tôi thấy mình dịu đi. Nhẹ đi. Như ai vừa rót cho tôi một ly nước mát giữa trưa hè, bảo rằng: “Thở đi. Không sao đâu. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả.”