Ngày xưa, tụi nhỏ đói là vì thiếu ăn. Giờ đói vì thiếu like.
Ngày xưa, chạy nhảy cười đùa là bản năng. Giờ muốn cười cũng phải chỉnh filter cho vừa khung.
Có một thế hệ lớn lên không với con diều, trái banh hay tiếng rủ rê đi bắt dế, mà lớn lên bằng cú vuốt màn hình và tiếng “ting ting” của thông báo. Chúng ta gọi đó là Gen Z – những đứa trẻ chưa kịp đi chân đất trên nền xi măng nóng hổi đã phải học cách sống sao cho “viral” trên mạng.
Nhiều người trách tụi nó yếu đuối, sống ảo, dễ lo âu, trầm cảm, bất ổn. Nhưng mấy ai chịu nhìn vào cái nền đất mà tụi nó lớn lên? Một tuổi thơ cắt xén, bị ép lớn lên trong bóng tối xanh lè của màn hình điện thoại.
Có những đứa trẻ mới mười mấy tuổi, dọa tự tử nếu bị cài phần mềm kiểm soát vào điện thoại. Không phải vì tụi nó quá quậy, mà vì mạng xã hội đã là không khí, là chỗ tụi nó trút bầu tâm sự, sống đúng với những gì không dám nói ngoài đời.
Ta quen với việc thấy một đứa trẻ dán mắt vào điện thoại trong quán cà phê, công viên, thậm chí cả trong giờ ăn cơm. Rồi một ngày, ta không thấy nó nhìn lên nữa.
Bắt đầu từ năm 2010, tỷ lệ trẻ trầm cảm, lo âu, tự hại… tăng vọt – không chỉ ở Mỹ, mà ở cả Anh, Canada, các nước Bắc Âu. Và ngay cả Việt Nam cũng không ngoại lệ. Một phần năm trẻ vị thành niên ở ta có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đáng sợ thật.
Lý do? Người ta phân tích nhiều. Kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa… Nhưng có một thứ nổi bật hơn cả: điện thoại thông minh + mạng xã hội + Internet tốc độ cao – ba chiếc chìa khoá mở ra cái nhà tù ảo cho tâm trí non nớt.
Tuổi thơ giờ giống một ca làm việc toàn thời gian: 50 tiếng/tuần cho điện thoại, tương đương 6–8 tiếng mỗi ngày. Nhiều đứa chơi game, lướt TikTok, xem YouTube tới khi mệt rã rời mới ngủ. Không phải ngủ vì đã tới giờ, mà ngủ vì hết pin – cả điện thoại lẫn tâm trí.
Chúng ta vẫn nói mạng xã hội để “kết nối”. Nhưng càng kết nối, con người càng lạc lõng.
Ở đó, ai cũng đẹp, cũng giỏi, cũng vui vẻ… còn ta thì thấy mình tệ hại, cô đơn, bị bỏ lại phía sau.
Ở đó, không còn “vui chơi tự do” – cái thứ ngày xưa tụi tôi hay gọi là “chơi không mục đích”. Vì mạng xã hội có luật lệ, có cấu trúc, có thuật toán. Nó khiến trẻ không còn làm chủ trò chơi, mà chỉ là người bị chơi.
Và khi đứa trẻ bị chơi, nó sẽ mất ngủ, mất khả năng tập trung, và nghiện. Nghiện không phải vì yếu đuối, mà vì chính những bộ não trưởng thành còn nghiện huống gì bộ não chưa hoàn chỉnh.
Bạn có từng thấy mình tỉnh giấc lúc 2 giờ sáng, với tay lấy điện thoại, chỉ để xem… có ai nhắn gì chưa?
Bạn có từng ngắt cuộc trò chuyện với một người đang ngồi trước mặt, chỉ vì có “một cái ting” từ người nào đó xa xôi trên mạng?
Nếu có, thì bạn không khác những đứa trẻ là bao. Chỉ là lớn hơn, rành hơn, biết giấu giếm hơn mà thôi.
Vậy thì… ta cần làm gì?
Không phải cấm đoán. Không phải giật điện thoại ra khỏi tay con.
Mà là làm bạn với con ngoài đời trước khi con chỉ còn bạn trên mạng.
Là dành thời gian chơi cùng con, không phải đưa cho con cái iPad rồi bận việc.
Là chậm lại để lắng nghe, thay vì vội vã dán mắt vào điện thoại khi con đang cần ánh mắt mình.
Là nâng niu cả thể chất lẫn tâm hồn – đừng chỉ lo cái xác mà bỏ quên cái hồn.
Chúng ta xây tường thật kiên cố để bảo vệ con khỏi nắng gió, trộm cướp, nhưng mở toang cánh cửa vô hình để những tổn thương tinh thần lùa vào.
Chúng ta dặn con đừng tin người lạ ngoài chợ, nhưng lại để con kết bạn lung tung trên mạng mà chẳng hỏi han.
Có thể… ta không cứu được cả thế hệ. Nhưng ta có thể cứu lấy đứa con đang ngồi ngay trước mặt.
Nó không cần điện thoại, nó cần một người ngồi xuống cùng nó, và thật sự hiện diện.
Tôi cũng từng là đứa trẻ ấy
Tôi không lớn lên cùng smartphone. Cũng chẳng có TikTok, Facebook hay Instagram để mà biết người ta đang sống vui cỡ nào. Tuổi thơ của tôi là những buổi chiều chạy rong ngoài đồng, sướt đầu gối, rách quần gối đá, nhưng cười tét miệng.
Giờ nhìn lại, tôi biết mình may mắn. Vì tôi được “chơi không mục đích”. Được tự buồn, tự vui, tự đứng lên sau những lần bị bạn bè giận dỗi hay thầy cô trách mắng. Không cần phải chờ ai nhấn like mới biết mình có giá trị.
Tôi cũng từng là người lớn nghĩ rằng: “Trẻ con thời nay sướng quá mà còn kêu ca gì nữa.” Nhưng rồi một ngày, tôi thấy đứa cháu 6 tuổi khóc nức nở vì bị lấy iPad. Không phải vì trò chơi dở dang, mà vì nó không biết làm gì khác. Không biết chơi gì, không biết tự tìm niềm vui ngoài cái màn hình. Và tôi giật mình.
Tôi bắt đầu hiểu rằng: thế hệ sau không hư, chỉ là nó lớn lên trong một thế giới mà chính mình chưa từng sống qua. Chúng ta không thể dùng kinh nghiệm cũ để phán xét một thực tại mới. Nhưng ta có thể học cách bước chậm lại, lắng nghe, quan sát – và làm lại từ đầu, cùng con cái của mình.
Có thể tôi không thay đổi được thế giới. Nhưng tôi có thể bắt đầu bằng việc:
– Không cầm điện thoại khi trẻ con đang kể chuyện.
– Dẫn đứa nhỏ ra công viên, ngồi im lặng cùng nhau mà không cần chụp hình check-in.
Vì tôi tin: mỗi một đứa trẻ được chơi đúng nghĩa là một con người được cứu.
Chú thích:
-
Theo một khảo sát do UNICEF và Bộ Y tế Việt Nam thực hiện, 21,7% trẻ từ 10 đến 17 tuổi có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, chỉ 5,1% phụ huynh nhận thấy con mình cần được hỗ trợ về cảm xúc và hành vi trong 12 tháng qua. (https://vietnamnet.vn/hon-20-tre-vi-thanh-nien-viet-nam-gap-van-de-suc-khoe-tam-than-2175839.html)
-
Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo, với trẻ em 2-5 tuổi, thời gian xem điện thoại chỉ nên giới hạn trong một giờ mỗi ngày. Với trẻ 6 tuổi trở lên, cha mẹ có thể xác định lượng thời gian con được phép sử dụng màn hình và giám sát nội dung, phương tiện trẻ sử dụng. (https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/childrens-health/in-depth/screen-time/art-20047952)