Tết Nguyên Đán không hề xa lạ đối với mỗi người trong chúng ta, nhưng để hiểu rõ về nó thì không hẳn ai cũng rõ. Nhân dịp đầu năm ngồi ăn bánh tét, bánh chưng và tự đặt câu hỏi “Vì sao tết Nguyên Đán, tiếng anh có thể dùng “Chinese new year” và vì sao không dùng “Vietnamese new year”?”. Thắc mắc nên khai bút đầu xuân tìm hiểu để sau này có con cháu còn giải đáp thắc mắc cho chúng!
Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết ta, tết cả, tết âm lịch… Từ tết được xuất phát từ từ “tiết”. Việt Nam là một nước thuần nông, để tiện cho việc canh tác, nên đã “phân chia” một năm thành 24 tiết khác nhau, và ứng với mỗi tiết cũng sẽ có một thời khắc “giao thời”, trong đó thời khắc quan trọng nhất là thời khắc giao thời của chu kỳ canh tác mới. Chữ “Nguyên” có ý nghĩa là khởi đầu, còn “Đán” lại có nghĩa là trọn vẹn. Vậy Tết (tiết) Nguyên Đán có nghĩa là “Sự khởi đầu trọn vẹn” (1)

Nguồn gốc của Tết Nguyên Đán
Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Tết Nguyên Đán có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế(*) và thay đổi theo từng thời kỳ. Đời Tam Vương, nhà Hạ chuộng màu đen nên chọn tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương thích màu trắng nên lấy tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu ưa sắc đỏ nên chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng Tết. Các vua chúa nói trên quan niệm về ngày giờ “tạo thiên lập địa” như sau: giờ Tý thì có trời, giờ Sửu thì có đất, giờ Dần sinh loài người nên đặt ra ngày tết khác nhau. Đời nhà Đông Chu, Khổng Phu Tử đổi ngày Tết vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Cho đến khi nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa. => Như vậy không phải lúc nào tết Nguyên Đán cũng rơi vào tháng 1 (trước năm 140 TCN) và tháng 1 không phải là tháng Tý mà là Dần, tháng 2 – mẹo, và cứ tính như thế tháng 12 sẽ là tháng Sửu!
Còn theo truyền thuyết và lịch sử nước ta cho thấy, họ Hồng Bàng dựng nước Văn Lang từ năm Nhâm Tuất 2879 trước công nguyên, trị vì cả 2.622 năm. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, sau khi nối ngôi, vị vua hiền đức này kết hôn cùng bà Âu Cơ sinh ra Hùng Vương. Từ thời đó, người Việt ta đã ăn Tết. Bắt đầu có bánh chưng, bánh dầy nhờ sáng kiến của Lang Liêu – con trai thứ 18 của vua Hùng Vương 6.
Thực ra, cho đến nay, nói một cách chính xác dân ta ăn Tết bắt đầu từ khi nào không ai nắm rõ. Lịch sử Trung Quốc viết, từ thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên và Tích Quang – quan nước Tàu sang nước ta, truyền cho dân ta biết làm ruộng và các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có cả việc ăn Tết cổ truyền. Song thực tế đã chứng minh rằng, trước khi người Trung Hoa sang đô hộ, dân tộc Việt đã có sinh hoạt văn hoá nền nếp và đặc sắc.
Theo ý kiến cá nhân: Tết Nguyên Đán ở nước ta cũng đã có từ lâu đời, nhưng khi Trung Quốc sang đô hộ nước ta thì đã “xác nhập” lại và vì Trung Quốc là một quốc gia với dân số đông, và vũng lãnh thổ rộng, dân Trung Quốc trãi đi tứ xứ nên ngoài từ “Lunner new year” thì người ta còn nói “Chinese new year”!
Các giai đoạn trải qua trong tết:
Cuối năm: Chuẩn bị dọn dẹp để đón Tết và bắt đầu từ 23 tháng chạp (Đưa ông Táo)
Tất niên: Là ngày cuối cùng của năm cũ 29 hoặc 30 tháng chạp. Giao thừa: Là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới!
Tết sẽ bắt đầu từ mùng 1 đến mùng 7: Trong 7 ngày này sẽ diễn ra các tục lệ như: Mùng một tết Cha, mùng 2 tết Mẹ, mùng 3 tết Thầy (2), Xông đất, Du xuân và hái lộc (lixì), Chúc tết và tục thăm viếng, hóa vàng và khai hạ.Ngoài ra trong tết còn có các tục lệ khác, mà hầu như ai là người Việt Nam đều đã trãi qua nên mình sẽ không viết, cái chủ yếu của note này là giải thích rõ nguồn gốc của tết Nguyên Đán thôi
🙂 Đầu năm khai bút với bài viết này
Chú thích:
(*) Tuy nhiên “Thời Tam Hoàng Ngũ Đế” cũng chỉ là truyền thuyết, không có thật!
Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Tài Cẩn. Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo). Nhà xuất bản Giáo dục. Năm 1995. Trang 80, 158, 197.
(2) Theo NGUYỄN CHÍNH TÂM – Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần (ngày 16 tháng 1 năm 2009). “Khoa học “Tết””. Tuổi trẻ online.
Và internet.